Có Bao Nhiêu Sách Trong Kinh Thánh Có Bao Nhiêu Cuốn, Kinh Thánh Có Bao Nhiêu Cuốn

LTS: Bài viết này là một phần trong tác phẩm "¿Qué sabemos de la Biblia?" của Ariel Álvarez Valdés , được Fr. Mátthêu Vũ Văn Lượng, OP. chuyển ngữ sang tiếng Việt từ bản dịch tiếng Ý : "Cosa sappiamo della Bibbia?" của Marna Ed. San Gaetano, Vicenza 2000.Catechesis sẽ lần lượt giới thiệu tới quý bạn đọc tập 1 của cuốn sách này. <1>

***********

Bạn đang xem: Có Bao Nhiêu Sách Trong Kinh Thánh Có Bao Nhiêu Cuốn, Kinh Thánh Có Bao Nhiêu Cuốn

*

Vấn đề Ki-tô giáo, nguồn gốc Do-thái giáo

Kinh Thánh không phải là một cuốn sách như một số người tưởng thế, nhưng là một thư viện. Kinh Thánh được hình thành từ 73 cuốn sách, trong số này có những cuốn khá dài, chẳng hạn sách ngôn sứ I-sai-a có đến 66 chương, một số cuốn khác lại rất ngắn, chẳng hạn sách ngôn sứ Ô-va-đi-a, không có chương mà chỉ có 21 câu. Sách ngắn nhất trong tất cả các sách là thư thứ ba của thánh Gio-an chỉ có 12 câu. Kinh thánh được phân chia thành Cựu Ước gồm 46 cuốn và Tân Ước gồm 27 cuốn.

Đôi khi chúng ta cầm trong tay cuốn Kinh Thánh của Tin Lành, chúng ta ngạc nhiên thấy thiếu 7 cuốn sách, chỉ có 66 cuốn mà thôi. Việc thiếu các sách này chỉ thấy trong Cựu Ước gồm 4 cuốn thuộc các sách sử (Tô-bi-a, Giu-đi-tha, 1 Ma-ca-bê, 2 Ma-ca-bê), 2 cuốn thuộc các sách khôn ngoan (Khôn ngoan và Huấn ca), và 1 cuốn sách ngôn sứ (Ba-rúc).

Lịch sử về sự khác biệt này giữa Công giáo và Tin lành là gì ?

Cựu Ước Pa-lét-tin

Trong thế kỷ thứ nhất kỷ nguyên Ki-tô giáo, người Híp-ri vẫn chưa minh định được danh sách đầy đủ các sách Thánh của họ, tức là chưa định hình được quy điển Kinh Thánh. Điều này cho thấy vẫn còn mở ra khả năng các sách mới được thêm vào danh mục sách thánh.

Nhưng từ lâu, nhất là khởi đầu từ bản dịch Giê-ru-sa-lem thế kỷ VI trước công nguyên, và từ khi nước Ít-ra-en hoàn toàn mất tự do, thì mối bận tâm cấp thiết trong trách nhiệm tôn giáo là làm sao vừa phải bảo đảm được tính liên tục của niềm tin dân chúng, vừa định rõ chính thức được danh sách các sách thánh, trong đó thể hiện được niềm tin của dân Ít-ra-en. Một số sách được đồng thuận, không nghi ngờ gì, và được quan tâm nhiều, nhưng một số sách khác xem ra không chắc chắn, và thậm chí còn gây nguy hiểm nữa.

Do đó, một số sách được ấn định coi là không có nghi ngờ về ơn linh hứng và được chấp nhận là Sách thánh. Đứng trước toàn bộ Sách thánh chính thức, đa số mọi người thừa nhận các sách được linh hứng, đón nhận đạo lý chân thực trong đó, đặt tên là “quy điển” (chuẩn mực, quy tắc), và xác nhận chúng phản ánh quy tắc sống cho các tín hữu. Một số sách khác, theo thời gian, không được công nhận và gọi là “ngoại thư” (huyền bí) vì chúng không chắc chắn về mặt đạo lý và xem ra nền tảng còn đậm nét huyền bí, tối nghĩa, chưa minh bạch.

Đến thế kỷ II công nguyên, cộng đoàn Híp-ri Pa-lét-tin về thực tế đã đi đến việc nhìn nhận 39 cuốn sách thánh.

Bản Bảy Mươi (LXX)

Đồng thời, theo dòng thời gian, tại A-lê-xan-ri-a, một thành phố Ai Cập nằm ven bờ Địa Trung Hải, nơi có cộng đồng Híp-ri hải ngoại lớn nhất với khoảng hơn 100 000 người Ít-ra-en, vì không hiểu tiếng Híp-ri lắm, đã sử dụng một bản dịch danh tiếng bằng tiếng Hy Lạp trong phụng vụ nơi các hội đường. Họ gọi bản dịch này là Bản “Bảy Mươi” vì sự kiện lạ là, theo truyền thống xa xưa, bản này đã được phiên dịch bởi 70 học giả.

Bản Bảy Mươi này, ngoài 39 sách thuộc quy điển Híp-ri, còn bao gồm một số sách viết bằng tiếng Hy Lạp mà bản gốc viết bằng tiếng Híp-ri đã bị thất lạc ; hơn nữa còn có một số sách sau này được viết trực tiếp bằng tiếng Hy Lạp nữa.

Những người Híp-ri ở Pa-lét-tin không bao giờ chấp nhận những khác biệt trên của các anh em ở A-lê-xan-ri-a và họ đã từ chối các sách mới này.

Vì vậy từ lâu chúng ta đã biết đến có hai quy điển sách thánh chính thức là quy điển Pa-lét-tin và quy điển A-lê-xan-ri-a.

Mối bận tâm của người đón nhận

Các Ki-tô hữu tiên khởi, khi nhìn nhận Đức Giê-su là Đấng đã đến không phải để huỷ bỏ giao ước cũ, mà để kiện toàn (x. Mt 5,17), đã nhận ra rằng sách thánh mà mình sử dụng thì cũng được những người Híp-ri sử dụng. Tuy nhiên, các Ki-tô hữu vẫn cảm thấy khó khăn không biết phải sử dụng quy điển ngắn Pa-lét-tin hay quy điển dài A-lê-xan-ri-a.

Thực tế, các Ki-tô hữu phân tán trong đế quốc và không biết nói tiếng Híp-ri vì ngôn ngữ chung trong toàn vùng Trung Đông từ 300 năm trước đã là tiếng Hy Lạp ; họ quyết định chọn sử dụng bản Kinh Thánh Hy Lạp. Điều đó trả lời cho thực tế rằng chính những người đón nhận bản dịch Hy Lạp này phải loan truyền Lời Chúa mặc dù họ nói tiếng Hy Lạp.

Do đó, khi sử dụng bản Kinh Thánh Hy Lạp, các Ki-tô hữu này buộc phải sử dụng cả bảy sách đang còn tranh cãi về tính quy điển nữa.

Để không bị nhầm lẫn

Những người Híp-ri, để phản ứng chống lại việc các Ki-tô hữu sử dụng rộng rãi các sách thánh mà những người Híp-ri cho là của riêng mình và, tệ hơn nữa, còn cho rằng các lời tiên tri minh chứng cho niềm tin của người Ki-tô hữu vào Đức Giê-su Na-da-rét mà những người Híp-ri kiên quyết từ chối, nên vào thế kỷ thứ hai, họ quyết định hình thức chung cuộc của quy điển sách thánh theo quy điển ngắn hơn.

Họ ấn định sách thánh, nghĩa là sách Cựu ước, có 39 cuốn và cho đến ngày nay họ vẫn kiên quyết cho rằng chỉ có 39 cuốn trong sách thánh này mới làm nên quy điển Pa-lét-tin.

Mặt khác, trong các cộng đoàn Ki-tô hữu qua các thế kỷ, khi Hội thánh vẫn chưa có lập trường chính thức, đã cho sử dụng rộng rãi trong thực tế 46 cuốn Cựu Ước.

Đôi khi, một số tiếng nói phản biện trong lòng Hội thánh lại muốn chấp nhận chỉ có 39 cuốn như người Híp-ri. Đó là các vị có thế giá như thánh Xi-ri-lô thành Giê-ru-sa-lem, thánh Ê-pi-pha-ni-ô, thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, và thời hiện đại là Hồng y Ca-giê-ta-nô.

Manh nha bùng phát Lu-tê-rô

Khi Mác-tin Lu-tê-rô khởi sự cuộc ly giáo Tin Lành vào năm 1517 và ly khai khỏi Hội thánh Công giáo, giữa những đổi thay làm phát sinh một Hội thánh mới của ông ta trong đó muốn đi theo quy điển ngắn của người Híp-ri, khác hẳn với truyền thống Hội thánh Công giáo đã nhìn nhận ở thế kỷ XV.

Lúc đầu, họ đưa ra phản ứng muốn loại bỏ bảy sách phần nhiều được viết bằng tiếng Hy Lạp và không xuất hiện trong ngôn ngữ Do Thái giáo.

Trước tình cảnh đó, các giám mục trên toàn thế giới đã quy tụ lại tại công đồng Tren-tô danh tiếng. Trong lịch sử Hội thánh, một công đồng kéo dài 18 năm (1545-1563) đã dồn tâm lực nhằm xác nhận và minh định đạo lý Công giáo trong một số lãnh vực cũng như trong Kinh thánh vẫn chưa được định tín.

Vào ngày 8 tháng 4 năm 1546, qua sắc lệnh “De Canonicis Scripturis” (Về quy điển Sách Thánh), quy điển Sách Thánh đã được xác định dứt khoát là Cựu Ước có 46 cuốn, bao gồm cả 7 cuốn mà Tin Lành phủ nhận.

Một tên gọi khó nghe

Từ đó, các Hội thánh Tin Lành và các giáo phái được khai sinh từ đó đã đi vào lịch sử cùng với sự thiếu sót bảy quyển sách trên.

Còn đối với Công giáo, Cựu Ước gồm 46 cuốn : 39 cuốn viết bằng tiếng Híp-ri và 7 cuốn viết bằng tiếng Hy Lạp.

Xem thêm: nike roshe run giá bao nhiêu

7 cuốn sách này, vì còn là đối tượng gây tranh cãi và được đưa vào danh sách chính thức còn chậm chạp, nên được gọi là “đệ nhị quy điển”, phát xuất từ tiếng Hy Lạp “deuteros” (đệ nhị, thứ hai), nhằm nói rằng các sách này đã làm thành một phần của quy điển Sách Thánh vào giai đoạn thứ hai.

Trái lại, 39 cuốn đầu không bao giờ gây tranh cãi và được gọi là “đệ nhất quy điển”, phát xuất từ tiếng Hy Lạp “protos” (đệ nhất, thứ nhất), và ngay từ ban đầu đã thuộc phần chính thức của quy điển.

Nhờ những khám phá hiện nay của khoa khảo cổ, trong số đó có những khám phá từ Cum-ran, người ta khẳng định rằng không phải tất cả các sách thuộc đệ nhị quy điển được viết ngay từ đầu bằng tiếng Hy Lạp. Chẳng hạn, chúng ta biết Sách Tô-bi-a ngay ban đầu được viết bằng tiếng A-ram, còn các Sách Giu-đi-tha, Ba-rúc, Huấn-ca, và Ma-ca-bê quyển thứ nhất lại được viết bằng tiếng Híp-ri. Chỉ có Sách Ma-ca-bê quyển thứ hai và Sách Khôn Ngoan thì được cho là soạn thảo bằng tiếng Hy Lạp.

Sự hiệp nhất khẩn thiết

Từ khi ông Lu-tê-rô dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức năm 1534 và loại đệ nhị quy điển ra khỏi danh sách chính thức của Sách Thánh, Hội thánh Tin Lành đã nhìn nhận bấy nhiêu sách thế thôi. Vào những năm sau này, họ mới tỏ ra những dấu hiệu khả quan cũng như có thái độ khá thân thiện đối với những sách thuộc đệ nhị quy điển, và họ thích gọi các sách này là “ngoại thư”.

Thực ra, họ cũng hiểu được các đạo lý chắn chắn trong Kinh Thánh, chẳng hạn sự sống lại của kẻ chết, vấn đề thiên thần, quan niệm thưởng phạt, khái niệm luyện ngục, ngay từ đầu đã được đề cập trong 7 sách này rồi.

Khi loại bỏ 7 sách này, thì người ta đã đánh mất một mắt xích quý giá đối với sự tiến triển và duy nhất của Mạc khải.

Vì lý do đó, trong một số bản Kinh Thánh Tin Lành, người ta thấy 7 sách ấy được xếp ở cuối, vì giá trị thứ yếu của chúng.

Chúng ta hy vọng rằng sẽ sớm đến ngày họ làm nên mối giao hảo hơn nữa và dứt khoát nhìn nhận khi đặt cho các sách ấy tầm quan trọng xứng hợp của Lời Chúa, để có thể hồi phục sự hiệp nhất đã bị đánh mất trước đây.

*

Câu hỏi gợi ý

1. Bạn hãy đọc danh sách các sách Cựu Ước và Tân Ước trong mục lục Sách Thánh của bạn, rồi hãy trả lời câu hỏi này : Trong số các sách, có bao nhiêu sách bạn chưa bao giờ đọc, cũng như chưa nghe biết đến ?

2. Khi bạn đọc Kinh Thánh một mình hay cả nhóm, những sách bạn hay đọc nhất là những sách nào ? Tại sao ?

3. Những Sách Thánh bạn đọc vài lần mà vẫn khó hiểu là những sách nào ? Tại sao ?

**************

<1> Lời giới thiệu của tác giả về cuốn sách

Ngày đầu tiên bước vào thư viện của Học viện Kinh Thánh Dòng Phan-xi-cô ở Giê-ru-sa-lem, nơi tôi đã đến để học Kinh Thánh, tôi cảm thấy kinh ngạc. Hơn ba trăm ngàn đầu sách xếp đầy tới nóc của hai tầng thư viện. Sách được chia thành những khu vực khác nhau theo chủ đề liên quan. Điều lạ lùng không phải là số lượng sách nhiều, mà là tất cả sách được viết ra chỉ với mục đích là giải thích và chú giải một cuốn duy nhất là : Kinh Thánh.

Ngoài ra mỗi khu vực có ba trăm chín mươi tạp chí mà Học viện này nhận được thường xuyên liên quan đến các vấn đề khảo cổ, giáo phụ, Đông phương cổ, Do Thái giáo, nhưng luôn hướng đến một mục đích là làm cho Kinh Thánh được hiểu rõ hơn.

Hàng năm Học viện này đều phát hành hàng trăm sách mới, các tạp chí, khảo cứu, chuyên đề, luận án, bản đồ, đồ án, từ điển, và rất nhiều thứ khác nhằm tìm cách giải thích ý nghĩa Sách Thánh. Và Học viện vẫn tiếp tục cho xuất bản, vì như Đức Giê-su nói Thánh Thần dẫn dắt chúng ta từng bước để hiểu toàn bộ Lời của Người (x. Ga 16,13), Lời mà chúng ta vẫn chưa đạt đến. Trong ý nghĩa này, mỗi thế hệ phải luôn có điều gì đó mới mẻ cần khai sáng, để nhờ đó hiểu được sâu xa ý nghĩa cứu độ của Thiên Chúa. Vì vậy, đóng góp mới mẻ này được chuyển hoá thành những điều đem lại sức sống cho tất cả mọi người và từng thời đại.

Những nghiên cứu trên liên quan đến tất cả các chương, các câu, các từ, và thậm chí từng chữ của Cựu Ước và Tân Ước trong Kinh Thánh. Các sách đều đã được liệt kê và số lượng bao nhiêu.

Tất cả các đề tài có thể hình dung được liên quan đến Sách Thánh đã được bàn thảo, nghiên cứu, điều tra, và có lời giải đáp tốt nhất mà chúng ta có thể cống hiến cho thời điểm khám phá hiện tại.

Mọi khó khăn, điều bí ẩn, những mâu thuẫn hiển nhiên, những vấn nạn bất thường, những thách đố lịch sử và địa dư đã được đưa ra giải quyết bao nhiêu có thể.

Tuy nhiên, dù có được những thành quả này, thì dân chúng, giới bình dân, giáo dân, giáo lý viên, các thành viên nhóm cầu nguyện hay học hỏi Kinh Thánh cũng không đủ trình độ chuyên môn để tiếp cận với những khám phá mới mẻ và cũng chẳng hiểu biết nhiều về những gì đã được viết ra.

Chẳng hạn, nhiều người Công giáo cũng không biết rằng từ năm mươi năm qua Đức Giáo hoàng Pi-ô XII đã ban hành Thông điệp “Divino afflante Spiritu” cho phép các nhà chú giải hiểu các chương đầu sách Sáng Thế chỉ là hình thức văn chương chuyên biệt mà thôi. Do đó, người Công giáo vẫn đọc và hiểu trình thuật A-đam và E-và, con rắn, và các hình phạt vì ăn trái cấm là những sự kiện theo nghĩa lịch sử chính xác.

Lại nữa, một số người Công giáo còn dạy rằng năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh tức Ngũ Thư là do ông Mô-sê viết như chúng ta đọc thấy trong Kinh Thánh, nhưng thực ra sau này những sách ấy lại được chứng minh với đầy đủ chứng cứ là do bốn giòng văn của bốn tác giả khác nhau hình thành nên.

Vậy nếu các tranh luận này kia đã được đưa ra bàn thảo, phân tích, viết lách, xuất bản rộng rãi, thì tại sao dân chúng vẫn không biết đến ?

Có nhiều lý do trong vấn đề này. Thứ nhất là vì đa số người dân không tiếp cận được loại văn chương chuyên biệt này do được xuất bản thành những bộ sách đồ sộ và đắt tiền, nhiều bộ sách vẫn nằm nguyên trên các kệ sách của thư viện. Thứ hai là vì được coi là các sách chuyên biệt nên chỉ dành riêng cho giới chuyên môn và không được phổ biến rộng rãi. Thứ ba là vì nhiều bộ sách được viết bằng những ngôn ngữ khó đọc và trúc trắc, chỉ dành riêng cho giới học thuật.

Tất cả những điều ấy phát sinh ra một bên là giới học thuật trong việc nghiên cứu Kinh Thánh cách khoa học theo đường hướng riêng và từng ngày với việc khám phá của mình mà có thêm hiểu biết hơn về Lời Chúa ; còn một bên là giới bình dân thì vẫn đọc Kinh Thánh theo lối hiểu cổ thời và hầu như không nhận biết được những tiến triển của khoa Kinh thánh.

Tập sách này không muốn nói về những điều mới mẻ, mà chỉ muốn nói về một số những vấn nạn đã được các nhà nghiên cứu Kinh Thánh hiện nay làm sáng tỏ, đồng thời mang những đóng góp mới mẻ của các nhà chú giải Công giáo hiện nay đến được với quần chúng, một số những đóng góp thì không mới mẻ cho lắm nhưng cũng được phổ biến rộng rãi đôi chút. Như thế, tập sách này cũng muốn tìm cách lấp đầy điều còn dang dở và tạo nhịp cầu nối giữa các nhà chú giải và dân Thiên Chúa, hầu tiếp cận được chính việc khám phá của các nhà chú giải.

Giá trị độc đáo của tập sách này là tìm cách trình bày những vấn nạn của khoa chú giải, triết học, khảo cổ học, thần học mà các tác giả khác nhau đề xướng, bằng lối viết dễ nắm bắt, đơn giản và dễ hiểu cho những người đã có đôi chút kiến thức về Kinh Thánh.

Để tập sách này có thể bổ ích cho những nơi học hành nhằm giúp bàn thảo và tranh luận với nhau về các đề tài trên, cũng như trong các đoàn hội giáo xứ, các nhóm học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện, chúng tôi nghĩ cần phải đưa ra những câu hỏi gợi ý sau mỗi chương để nếu ai thích thú với những câu hỏi ấy có thể sử dụng để suy niệm chung và nhờ những đóng góp của nhau mà làm giàu thêm kiến thức Kinh Thánh của mình.

Xem thêm: 1 carat bằng bao nhiêu kg

Ước mong của tôi là các độc giả, sau khi đã học hỏi được một số điều quan trọng liên quan đến Lời Thiên Chúa và tận tâm với Lời ấy, sẽ thấy mình can đảm để đào sâu hiểu biết Kinh Thánh hơn nữa khi đọc các sách khác.